Theo khoản 1 Điều 89 – bộ Luật Xây dựng năm 2014, trước khi khởi công xây dựng, chủ nhà / chủ đầu tư cần phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Các trường hợp xây dựng không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của luật xây dựng.
Do đó, để xây dựng nhà ở mới ở khu vực đô thị thì chủ nhà cần thường phải làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng trước khi chính thức động thổ, khởi công.
Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng
Tại khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng quy định: UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị.
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng
Theo khoản 1 Điều 93 bộ Luật Xây dựng, điều kiện chung để cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở tại đô thị là:
+ Phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt
+ Đảm bảo an toàn cho công trình lân cận
+ Đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ…
+ Bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều…
Hồ sơ xin cấp giấy phép
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng tối thiểu gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép XD
+ Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
+ Bản vẽ thiết kế xây dựng
* Lưu ý: Nếu bên cạnh có nhà liền kề, cần có cam kết bảo đảm an toàn đối với các công trình liền kề. Tùy theo yêu cầu thực tế ở từng nơi, bản cam kết này có thể là chủ nhà cam kết đơn phương (có xác nhận của chính quyền) hoặc phải có chữ ký của chủ nhà hàng xóm.
Xem thêm » Hồ sơ xin giấy phép xây dựng cần những giấy tờ gì ?
Thời gian cấp phép xây dựng
Thời gian cấp giấy phép XD mới đối với nhà ở đô thị từ 15-20 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Đối với trường hợp cấp lại hoặc gia hạn thì thời gian xử lý và cấp phép vào khoảng 10 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ.
Ghi nhận hiện trạng công trình lân cận
Theo Thông tư số 05/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng, trước khi khởi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu / quản lý công trình liền kề để kiểm tra & ghi nhận hiện trạng các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có).
Đây là căn cứ để giải quyết tranh chấp, kiện cáo nếu có phát sinh vấn đề trong hoặc sau khi xây dựng.
Thiết kế xây dựng nhà ở
Chủ nhà được tự thiết kế đối với các trường hợp sau:
+ Nhà ở có tổn diện tích sàn xây dựng < 250m2
+ Nhà ở xây dưới 3 tầng
+ Nhà có tổng chiều cao dưới 12m
Thiết kế phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, ảnh hưởng của công trình đến môi trường & an toàn của các công trình lân cận.
Đối với nhà ở với quy mô như vừa nêu trên, chủ nhà cũng được tự tổ chức thi công & chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu xin giấy phép xây dựng hay làm thủ tục hoàn công, chủ nhà nên thuê hoặc nhờ người vẽ bản thiết kế hoàn chỉnh.
—
Như vậy khi xây dựng nhà ở mới, chủ nhà cần phải làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định, trong đó phải có bản cam kết đảm bảo an toàn đối với công trình liền kề.